KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Còn nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư

Đó là khẳng định của TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện thị trường, xu hướng đầu tư kinh doanh, hướng đến phát triển các dự án trong năm 2024 lẫn mục tiêu trung và dài hạn hiệu quả, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư”. Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành – Phó chủ tịch VCCI; ông Trần Văn Mi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM; PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chuyên gia kinh tế; ông Trần Quốc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM… Về phía Ban tổ chức Diễn đàn có sự tham dự của Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; TS. Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. Cùng sự tham dự của đại diện các sở, ngành, lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp của TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Mở đầu bài tham luận của mình, TS. Đinh Thế Hiển đặt câu hỏi “Quan trọng của giới đầu tư trong vấn đề trước mắt là dòng tiền 2024 thế nào và dòng tiền có đủ mạnh để phát triển bất động sản hay không?”.

Ông đánh giá, động lực cho tăng trưởng ở quý I/2024 đã tăng so với cùng kỳ trong 5 năm vừa qua. “Giới chuyên môn cho rằng, đã vượt qua Covid và vào giai đoạn phục hồi. Tất cả các khoản về đầu tư đều tăng trưởng. Cung tiền về đầu tư hạ tầng của Chính phủ chưa đạt kỳ vọng nhưng FDI vẫn sáng, Việt Nam vẫn là điểm đến của FDI – động lực mạnh nhất, rõ nhất cho đô thị hóa”, chuyên gia nêu.

TS.Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chuyên gia kinh tế - trình bày tham luận tại Diễn đàn.
TS.Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chuyên gia kinh tế – trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, quý I tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu hơn 8 tỷ USD. Ông đánh giá, quý này phục hồi rất mạnh. Tuy nhiên, lo ngại lạm phát tăng trở lại 3,77%, cao hơn hơn các năm trước, nhưng vẫn có niềm tin Chính phủ đủ nguồn lực kiềm chế lạm phát vì nguồn thu vẫn tốt.

Ngược lại, trong năm 2024 vẫn thấy khá nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư. Theo ông, dòng tiền sản xuất không lo lắng. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư đang bị khó khăn là trái phiếu phải xử lý năm 2024 lên tới 382.000 tỷ đồng. Theo ông Hiển, những khó khăn này không làm cản trở sản xuất, mà chỉ cản trở đầu tư.

Về nợ xấu, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng điều không bất ngờ, bởi nhiều năm nay ngân hàng đầu cơ khá nhiều mà không phải đầu tư. 

Về dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản, ông đánh giá là xấu nhất trong vòng 5 năm qua. Hệ thống thanh toán tiền mặt cũng thấp nhất trong 5 năm vừa qua, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền.

“Vàng và tỷ giá tăng rất mạnh, tỷ giá hiện tăng trên 5%, điều này hạn chế cung tiền của Chính phủ. Từ đó, dòng tiền tiếp tục khó khăn cho quý I và quý II năm nay. Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh không tốt sẽ khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Tiêu dùng vẫn hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản”, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá.

Đoàn chủ tọa điều hành Diễn đàn.
Đoàn chủ tọa điều hành Diễn đàn.

Nhận định chung về triển vọng dòng tiền 2024, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, dòng tiền sẽ cải thiện dần dần từ quý III/2024. Xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng sẽ cải thiện hơn. Đầu tư công và cung tiền của Chính Phủ cải thiện tạo nên dòng tiền mới. 

Bên cạnh đó, niềm tin tiêu dùng dần dần phục hồi, giúp thương mại dịch vụ tăng. Khi tiêu dùng nội địa, niềm tin phục hồi, cũng tạo cơ hội cho dòng tiền xoay chuyển.

“Kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện dần từ quý III/2024 từ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi tiêu dùng; nhưng các doanh nghiệp vẫn đối đầu với khó khăn về nguồn vốn. Năm 2023, nguồn cung tiền quan trọng cho bất động sản đều suy giảm. Sang năm 2024 có sự tăng nhẹ và phục hồi. Quan trọng, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và bất động sản sẽ bắt đầu giải ngân ra từ quý III và quý IV và chiều hướng sẽ tốt lên từ quý III. Còn dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn”, TS. Đinh Thế Hiển dự báo.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, yếu tố quan trọng là chính sách, nhưng Nhà nước cần ưu tiên kiểm soát nguồn vốn các ngân hàng thương mại đưa vào thị trường bất động sản.

Theo TS, nhà đầu tư cá nhân vẫn còn chùn tay, chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên chưa xuống tiền; Trrong khi, nhà đầu tư lướt sóng không dám xuống tiền và nhà đầu tư trung hạn vẫn còn quan sát.

“Điểm sáng trong năm 2024 chỉ phục hồi cục bộ, xuất phát từ nhà đầu tư trung hạn giải ngân chưa nhiều và không có sự xoay vòng. Các công ty bất động sản niêm yết tiếp tục thua lỗ trong quý I/2024 , điều này cho thấy, kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự chọn lọc, phục hồi là có; các quỹ đầu tư tầm nhìn trung hạn bắt đầu đặt cửa vào các công ty bất động sản”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Dự đoán xu thế đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, bất động sản có nhu cầu sử dụng và khai thác doanh thu sẽ phục hồi từ quý III/2024, tập trung khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận. Bất động sản khu vực động lực kinh tế phía Nam hướng biển vẫn có cơ hội được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2024.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng như đường vành đai 3 TP.HCM (2023 – 2024), đường vành đai 4 TP.HCM (2024-2025) sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản, trọng tâm ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đồng tình với những đánh giá của ông Trần Đình Thiên và ông Đinh Thế Hiển rằng thị trường bất động sản quý I và II/2024 đã có diễn biến tích cực.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn TP. HCM hơn 970.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ bất động sản cả nước, tăng khoảng 0,46% so với cuối năm 2023, đặc biệt trong tháng 3 đầu năm 2024 tăng khoảng 0,96%.

Điểm tích cực là tín dụng bất động sản tháng 3 đã bắt đầu tăng trở lại so với 2 tháng đầu năm 2024. Tính chung quý I tín dụng bất động sản đã tăng khoảng 0,46%.

Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, mặc dù tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng tín dụng tiêu dùng, mua nhà thực sự để ở, mua nhà ở xã hội, vay để sửa chữa, v.v. chiếm tỷ trọng tương đối cao, khoảng 668.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng dư nợ bất động sản.

Ông Lệnh đánh giá tình hình tín dụng như trên đến từ 2 yếu tố: Thứ nhất là cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của ngân hàng trung ương đã phát huy tác dụng. Nhất là chính sách lãi suất thấp đã khuyến khích sản xuất kinh doanh cũng như kích thích thị trường bất động sản.

Thứ hai là môi trường, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản có chuyển biến, các giao dịch bất động sản có tăng. Điều này đã tác động trở lại thị trường tín dụng bất động sản.

“Tất cả tháo gỡ khó khăn thị trường, các giải pháp ngắn hạn của các sở, ban ngành đã có tác động tới tín dụng bất động sản. Tín dụng bất động sản tốt sẽ tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.

ĐÌNH ĐẠI – MINH QUÂN