“Đọc sách, chúng ta cảm nhận được những trăn trở của tác giả đối với một số lĩnh vực của nền kinh tế, thể hiện trách nhiệm của một nhà khoa học mong muốn cống hiến cho quốc gia, dân tộc”, TS Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.
Từng là CEO Toshiba Việt Nam, CEO Brother & Advisory, Giám đốc kinh doanh Hewlett Packard (HP), người sáng lập Công ty Tư vấn Investwise (IWCC) nên kiến thức thực tiễn về quản trị DN nói chung và Chuyển đổi số nói riêng của tác giả khá rộng.
Vài nét về tác giả
Đây là cuốn thứ hai của TS Nguyễn Hoàng Hiệp, sau cuốn “Khởi đầu của kỷ nguyên số hóa” gồm 41 bài viết, được dư luận đánh giá cao. “Chuyển đổi số từ tư duy đến thực tiễn” là tập hợp các bài báo, các bản tham luận hội thảo, trả lời phỏng vấn có hàm lượng thông tin khoa học và thực tiễn của một chuyên gia đã làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực CNTT.
Nhưng không vì vậy mà mảng bài viết về chuyển đổi số của DN Nhà nước lại bị “bó bút”, đơn giản bởi đây là lĩnh vực tác giả đã bảo vệ luận án tiến sĩ “Tư duy lãnh đạo và sự thay đổi của tổ chức trong quá trình tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam” tại trường Lincoln University College – Malaysia. Nên tôi không bất ngờ khi đọc nhiều đề xuất, kiến nghị của ông đi sâu vào hệ thống quản trị công có tính thực tiễn cao.
Tư duy sâu, thực tiễn rộng
Vẫn theo mô-típ cuốn sách trước, “Chuyển đổi số từ tư duy đến thực tiễn” gồm 20 chương, chia làm 3 phần chính. Không khó để thấy mọi sự phân chia chỉ có tính quy ước, bởi trong phần đầu “Chuyển đổi số từ tư duy đến thực tiễn” ngoài việc phổ cập thông tin chung của Việt Nam, khu vực tác giả đi thẳng vào những vấn đề thực tiễn của Chuyển đổi số trong phát triển nguồn nhân lực, ngành cơ khí, nông nghiệp hay lĩnh vực truyền thông.
Đây chắc chắn là những vấn đề thuộc sở trường của TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, trong đó những trăn trở Chuyển đổi số trong truyền thông được rút ra từ chính trải nghiệm làm báo của của chính mình. 6 vấn đề ông đặt ra cho các cơ quan quản lý báo chí đã và đang là vấn đề nóng mà dư luận quan tâm.
Phần “Định hướng chính sách trong Chuyển đổi số” chính là những trang viết ông ấp ủ nhưng không nhiều người đọc có thể chia sẻ hết những trăn trở của Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Nghiên cứu Tin học và Ứng dụng. Đơn giản đây là mảng đề tài khó, nhiều vấn đề mang tính định lượng, nhiều quan điểm Chuyển đổi số con đang tranh luận. Để làm sáng tỏ nhận định này, tôi thử đưa chương 12 “Tiềm năng trở thành công xưởng lớn” cho 3 bạn đọc khác nhau, không ai có trùng với quan điểm của tác giả về các lĩnh vực dược y tế, đường sắt cao tốc do Hitachia đề xuất…Nhưng “Những câu chuyên thời sự trong kỷ nguyên số hóa” tại chương 14 của TS Nguyễn Hoàng Hiệp lại được đánh giá cao, ông mạnh tay về các đề tài chống tham nhũng, “biến tướng” liên kết bảo hiểm-ngân hàng.
Phần 3 “Giải pháp Chuyển đổi số” gồm 6 chương, khoảng 80 trang có lẽ vẫn chưa đủ thỏa mãn nhiều người đang nghiên cứu về đề tài Chuyển đổi số. Chương 18 “Chuyển đổi số trong GTVT” được tác giả đầu tư công sức và dày dặn hơn chương 17 “Phát triển Thành phố thông minh” chỉ dừng lại ở lý thuyết, điều mà tiếp cận với thông tin của Nhật Bản, tác giả có thể viết sâu hơn. TS. Nguyễn Hoàng Hiệp đã đánh giá đúng và trúng về “bức tranh GTVT Việt Nam” hiện nay. Đang có sự mất cân đối lớn giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không…, những phản biện của tác giả về dự án sân bay quốc tế Long Thành rất đáng được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm.
Là nhà khoa học, tác giả dành chương 20- chương cuối cho giáo dục, số liệu trích dẫn mới, độ chính xác cao, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, dù ông gói vấn đề tại các trường đại học.
Ai quan tâm đến chất lượng đại học, nên tìm đọc….tất nhiên, vài thuật ngữ chuyên ngành ông cần hiệu chỉnh. Việt Nam chỉ có đại học lợi nhuận/phi lợi nhuận (không phải đại học vụ lợi/phi vụ lợi), nhất là tiếng Việt từ vụ lợi được hiểu theo nghĩa xấu.
Điểm khác biệt giữa trường lợi nhuận và phi lợi nhuận đó là: các trường lợi nhuận thường ưu tiên về hiệu quả kinh doanh. Còn mô hình trường học phi lợi nhuận hướng tới mục tiêu đem đến một môi trường học tập chất lượng cao cho học viên với giáo viên và cơ sở vật chất tốt nhất.