Theo TS. Đinh Thế Hiển, việc NHNN dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.
Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đại diện NHNN cho biết, sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vào ngày 3/6, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Trước đó, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Trong thông cáo phát đi vào tối ngày 27/5, NHNN cho biết sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng trao đổi đã có chia sẻ với chúng tôi xoay quanh vấn đề này.
NHNN đã quyết định dừng việc đấu thầu và chuyển sang lựa chọn thông qua bán vàng cho nhóm ngân hàng Big 4 để các ngân hàng này bán lại cho người dân. Ông nhận định ra sao về giải pháp này?
Trong thời gian vừa qua, NHNN quyết định tổ chức đấu thầu vàng với kỳ vọng giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới nhưng sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng trong nước lại tăng vọt.
Tôi đã từng chia sẻ rằng, đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường. Thế nên, việc giá vàng SJC có tăng sốc sau đấu thầu là chuyện không bất ngờ. Về lâu dài, thị trường cần một giải pháp khác toàn diện hơn, ngăn chặn “chảy máu” ngoại tệ và buôn lậu vàng.
Dù mục tiêu của đấu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công, cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy thời gian qua, giá vàng vẫn tăng.
Và đấu thầu không phải là giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, mà cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống một mức hợp lý so với giá vàng thế giới như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Còn về việc NHNN dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tôi đánh giá, đây là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.
Liệu giải pháp này có xử lý tận gốc rễ vấn đề, thưa ông?
Trước hết, muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, theo tôi, cần hiểu đúng nguyên nhân và tìm ra giải pháp.
Đầu tiên vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.
Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.
Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh. Đây là lý do đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.
Về nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là do mất cân đối cung – cầu. Về nguồn cung, nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước đây, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu.
Tuy nhiên, trong năm 2023, Nhà nước đã thực hiện công tác chống buôn lậu rất hiệu quả trong khi sức cầu lại tăng đột biến. Người dân có nhu cầu đổ tiền vào vàng do thị trường bất động sản gặp khó khăn và kênh đầu tư này không còn hấp dẫn trong khi lãi suất tiết kiệm lại thấp kỷ lục. Điều này càng dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá vàng bị đẩy lên cao, chênh lệch giá trong nước và thế giới ngày càng giãn rộng.
Từ nguyên nhân đó, theo tôi, cần giải quyết bài toán về nguồn cung hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường.
Nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện về mức giá mà NHNN bán cho nhóm ngân hàng Big 4 nên bằng với giá vàng thế giới hay tương đương với giá thị trường của Việt Nam hiện nay. Quan điểm của ông thì sao?
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới lên tới 14-15 triệu đồng/lượng, cụ thể, giá vàng SJC đang ở mức trên 90 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới theo quy đổi của Việt Nam hiện là 75 triệu đồng/lượng.
Thế nên, nếu NHNN bán cho nhóm ngân hàng Big 4 với giá tương đương giá thế giới thì không thể đủ nguồn cung vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu. Còn nếu bán theo giá thị trường hiện tại thì vô tình đẩy giá vàng SJC vẫn tiếp tục neo ở mức cao.
Theo quan điểm của tôi, NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm biên độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng Việt Nam và thế giới. Điều này sẽ dần tạo ra sự thích ứng với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng Việt Nam phù hợp.
Phải khẳng định lại rằng, Nhà nước sẽ không chủ trương neo giá vàng cao so với giá thế giới để hưởng chênh lệch. NHNN thông qua bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại hạ dần chênh lệch giá vàng, giá thị trường hạ đến đâu thì NHNN hạ giá bán vàng cho ngân hàng thương mại đến đó.
Ông dự báo ra sao về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới?
Đầu tiên, tôi cho rằng, NHNN sẽ chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường trong nước mà không phải nhập khẩu khối lượng lớn nhằm đáp ứng toàn bộ cầu trong nước. Trong khi nhu cầu trong nước phần lớn xuất phát từ việc đầu cơ.
Thế nên, giá vàng sẽ không hạ nhiệt ngay và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao. Phải một thời gian sau đó, giá vàng thế giới và trong nước dần thu hẹp khoảng cách. Khi giá vàng hạ nhiệt, nhu cầu của người dân cũng sẽ giảm. Người dân có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm nhất là trong thời điểm lãi suất dần tăng hay đầu tư bất động sản hoặc chứng khoán.
Theo ông, mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới bao nhiêu là hợp lý?
Tôi cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về khoảng 2-4 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Liệu có cần thêm giải pháp để góp phần bình ổn thị trường vàng không, thưa ông?
Bên cạnh giải quyết nguồn cung, theo tôi, việc kiểm tra thị trường vàng đang tiến hành là rất hiệu quả. Giải pháp này sẽ ngăn chặn vàng nhập lậu và đảm bảo vàng giao dịch trên thị trường minh bạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, đối với giải pháp NHNN bán vàng cho nhóm Big 4. Theo tôi, NHNN có thể bán thêm cho Công ty SJC một lượng nhất định. Hoặc NHNN xem xét bán cho các công ty chế tác bán vàng có đơn hàng xuất khẩu nữ trang. Với các công ty này, phía ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp.
– Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Anh Linh (thực hiện)
An ninh Tiền tệ