(Chinhphu.vn) – Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định, trong nền kinh tế độc lập, tự chủ Việt Nam hiện nay, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng) nhấn mạnh, trước hết, cần khẳng định kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do Nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn có các yếu tố khác thuộc sở hữu Nhà nước như tài nguyên quốc gia, ngân hàng nhà nước, ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia…
Khẳng định vai trò dẫn dắt nền kinh tế
Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. Đảng ta đã chủ trương các doanh nghiệp nhà nước phải “hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”…
“Nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất mạnh về nhiều lĩnh vực mang tính kinh tế công như: Quốc phòng, an ninh, năng lượng, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội… Với các lĩnh vực then chốt này, hầu hết doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân ‘ngại’ không muốn làm hoặc không có nguồn lực để làm vì cần có vốn đầu tư lớn, triển khai ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro, khó thu được lợi nhuận cao…
Do đó, vì tiến trình phát triển đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân, nên khu vực kinh tế nhà nước đảm nhận những nhiện vụ trên để dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù tham gia cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp khác”, chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2020 cho thấy: Tuy chỉ chiếm 0,4% trong tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng doanh nghiệp nhà nước huy động, thu hút vốn cho sản xuất, kinh doanh đạt 9,65 triệu tỷ đồng, doanh thu cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 323,64 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ tương ứng là 24,8%, 56,7% và 36,1% của toàn bộ doanh nghiệp). Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng chỉ thu hút được 22,25 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh, doanh thu đạt 3,41 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 190,36 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ tương ứng là 57,2%, 14,4% và 21,3%). Thu nhập bình quân tháng cho một lao động của doanh nghiệp nhà nước đạt 12,56 triệu đồng, so với con số 7,87 triệu đồng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC. – VNR) công bố TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, có đến 7 doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, không phủ định cạnh tranh mà còn là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu khách quan phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, như CPTPP, EVFTA…
Ngoài ra, kinh tế nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ,…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro… Ðặc biệt, kinh tế nhà nước chính là bộ phận quan trọng để định hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa tiến bộ, công bằng, văn minh, không để các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự do theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, vì lợi ích tư nhân mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng…
Kinh tế nhà nước cần được đổi mới, cơ cấu lại cho đúng chức năng, nhiệm vụ “đầu tàu”
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém của thành phần kinh tế này, để bảo đảm vai trò chủ đạo đó, cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Để kinh tế nhà nước phát huy được vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, chuyên gia Đinh Thế Hiển đề xuất với Chính phủ một số giải pháp cụ thể.
Vấn đề cốt yếu đầu tiên là phải nâng cao chất lượng quy hoạch trong mối quan hệ tổng thể của chiến lược quốc gia. Các quy hoạch đã được duyệt phải bảo đảm tuân thủ tính xuyên suốt, không vì lợi ích ngắn hạn của địa phương hay các tập đoàn mà điều chỉnh quy hoạch.
Thứ hai, các lĩnh vực thiết yếu trong đầu tư phát triển như hạ tầng giao thông, hệ thống cảng; hệ thống năng lượng quốc gia phải do các doanh nghiệp nhà nước có chức năng giữ vai trò trọng yếu theo hướng mô hình chuỗi cung ứng giá trị. Điều này có nghĩa là không phải doanh nghiệp nhà nước làm hết mọi việc, mà giử vai trò then chốt trong tổ chức, điều phối.
Chuyên gia này lấy ví dụ, lĩnh vực năng lượng quốc gia, EVN nên tập trung đầu tư và quản lý thật tốt hệ thống truyền tải, quy hoạch phát triển hệ thống điện hiệu quả và quản lý một số nhà máy quy mô lớn. Còn việc phát triển các nhà máy điện theo quy hoạch thì để cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia đầu tư với các chính sách hợp lý, rõ ràng và cạnh tranh.
Thứ ba, cần phát triển hệ thống an sinh xã hội như các nước phát triển để từng bước đưa các dịch vụ và sản phẩm công như giá điện, giá nước, và một số dịch vụ công khác theo giá thị trường, bảo đảm sản xuất cạnh tranh và phát triển; đồng thời người lao động cũng không bị ảnh hưởng do đã có hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ.
Thứ tư, Nhà nước nên xem xét có Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động như một quỹ tài chính của các nước phát triển, có vai trò huy động vốn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án quốc gia do các công ty nhà nước hoặc các công ty cổ phần trúng thầu thực hiện. Việc huy động vốn chủ yếu là trái phiếu Quỹ và trái phiếu công trình, với việc rót vốn và thu hồi vốn được quản lý theo tiêu chuẩn chặt chẽ của một quỹ đầu tư tài chính; đây là mô hình mà Singapore thực hiện hiệu quả.
“Thực tiễn cho thấy dù có tuyển được người có tài, nhưng các quy định, quy trình lỏng lẻo, dựa vào tập thể mà thiếu trách nhiệm cá nhân thì cũng hoạt động không hiệu quả; hoặc là người tài không thể phát huy, hoặc là bị biến chất. Do vậy, Nhà nước và Chính phủ cần phải hoàn thiện các quy chế, quy trình về thực hiện, giám sát và kiểm tra theo hướng trách nhiệm cá nhân rõ ràng để kinh tế nhà nước hoạt động hiệu quả mà không vì một vài cá nhân thiếu trách nhiệm, hoặc tư lợi làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Giang Oanh (thực hiện)